Hướng dẫn đánh giá tác động TTHC trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
(CTTĐTBP) - Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư 03/2022/TT-BTP ngày 10/02/2022 hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 28/3/2022 và thay thế Thông tư 07/2014/TT-BTP ngày 24/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính và rà soát, đánh giá thủ tục hành chính.
Đối với các hồ sơ lập đề nghị xây dựng văn bản và hồ sơ dự án, dự thảo văn bản đã gửi cơ quan thẩm định trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư 07/2014/TT-BTP.
Đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng văn bản là việc nghiên cứu, xem xét về sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính nhằm lựa chọn phương án, giải pháp tối ưu để thực hiện chính sách. Còn đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong soạn thảo dự án, dự thảo văn bản là việc nghiên cứu, xem xét về sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính đã được lựa chọn hoặc cân nhắc, lựa chọn phương án, giải pháp tối ưu cho việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính.
Thông tư 03/2022/TT-BTP với 4 chương, 14 điều quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính; quy trình đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản; đánh giá sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản./.
Thanh Phương