Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Sáng 28/7, ngày thứ hai của chương trình hội thảo “Kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trong điều kiện mới” khu vực Đông Nam Bộ năm 2023.
Tham dự Hội thảo, đại biểu các trong khu vực, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh Bình Phước đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hội thảo do Ủy ban Dân tộc của Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước tổ chức tại Trường Cao đẳng công nghiệp cao su.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh phát biểu tại Hội thảo
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và các già làng tiêu biểu, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Theo đánh giá tại Hội thảo, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào thiểu số thời gian qua đã góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền công bằng trong tiếp cận công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân tộc thiểu số. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giúp đồng bào dân tộc thiểu số hiểu biết về quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi có tranh chấp, vướng mắc liên quan đến pháp luật...
Nhiều mô hình, cách làm hay về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả như thông qua các hình thức biên soạn tài liệu, tổ chức hội nghị, tập huấn; phổ biến, giáo dục pháp luật qua các phiên tòa xét xử lưu động; phiên tòa giả định, thông qua cuộc họp cơ quan, tổ chức họp dân tại thôn, khu phố; cuộc thi tìm hiểu pháp luật; tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; hoạt động hòa giải; hệ thống loa truyền thanh cơ sở...
Tại Hội thảo, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp như: rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật bảo đảm tinh gọn, được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết; huy động sự tham gia của các chuyên gia pháp luật, người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đại diện Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Phước Ma Ly Phước phát biểu tham luận
Với tham luận “Hội Luật gia tỉnh Bình Phước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng Đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới của tỉnh và một số giải pháp”, Luật gia Đỗ Minh Chánh – Phó Chánh Văn phòng Hội Luật gia tỉnh Bình Phước cho biết: Trong những năm qua được sự quan tâm của chính quyền địa phương, đã từng bước nâng cao hiểu biết pháp luật của người dân Bình Phước nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Phước nói riêng.
Hàng năm, Hội Luật gia tỉnh Bình Phước có chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho 20 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Hội đã ký kết kế hoạch với Ban dân tộc UBND tỉnh để thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Với đồng bào dân tộc, khó có thể áp dụng các điều khoản pháp luật hiện hành để phổ biến do phong tục, tập quán riêng của từng dân tộc. Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thường tập trung vào các nội dung gắn với nhu cầu tìm hiểu của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Căn cước công dân; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Giao thông đường bộ…; các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…
Để thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả trong vùng đồng bào thiểu số thì vấn đề mấu chốt trước hết rất cần sự phối hợp thường xuyên của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc hiểu biết tiếng Kinh. Đồng thời, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào. Thông qua sự trợ giúp của Ban Dân tộc, UBND, các cơ quan đoàn thể ở cấp xã, Hội đã nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân thông qua các già làng, trưởng bản, thôn, ấp, sóc.
Thời gian qua, Hội Luật gia tỉnh Bình Phước đã đồng hành cùng các địa phương phát huy tốt vai trò của Già làng, Trưởng bản, người có uy tín ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trong giáo dục con cháu, đồng bào chấp hành pháp luật, không nghe theo lời xúi giục, lôi kéo của kẻ xấu nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; bài trừ mê tín dị đoan, tà đạo... giúp giữ yên bản làng, yên biên giới. Một số phong tục, tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được xóa bỏ, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, kéo theo nhiều tệ nạn xã hội, hành vi vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết pháp luật. Do vậy, công tác phổ biến giáo dục pháp luật được chú trọng sẽ góp phần nâng cao dân trí và tăng cường ý thức pháp luật cho người dân nơi đây.
Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Lương Nhân phát biểu tại hội thảo
Một số đại biểu đề nghị tăng cường đa dạng hóa nguồn lực xã hội, nguồn tài chính từ doanh nghiệp và xã hội hỗ trợ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chỉ đạo và thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác hòa giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Bên cạnh đó là huy động lực lượng công an, bộ đội biên phòng cùng vào cuộc; tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, các chủ trương chính sách mới cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy hiệu quả của mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua đội ngũ người có uy tín; nghiên cứu, xây dựng thêm các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật mới phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông nhấn mạnh, các địa phương cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xác định đây là một bộ phận của công tác giáo dục tư tưởng và nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Qua đó, thực hiện đầy đủ các thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật hiện hành, đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan; đổi mới, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm phù hợp với nhu cầu của xã hội từng nhóm đối tượng.
Toàn cảnh hội thảo ngày thứ hai
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy sức mạnh của phương tiện thông tin đại chúng.
Các đại biểu cũng kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề cụ thể liên quan đến công tác dân tộc tại địa phương mình; kiến nghị chế độ, chính sách cho người làm công tác dân tộc, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Những kiến nghị, đề xuất tại hội thảo đã được Ban tổ chức hội thảo ghi nhận, tổng hợp để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ, giải quyết.