Hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
(CTTĐTBP) - Bộ Tư Pháp vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022.
Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương căn cứ quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, Quyết định 1521/QĐ-TTg và các chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành; đồng thời căn cứ điều kiện, yêu cầu thực tiễn của từng địa phương để chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, cần ưu tiên các nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế, địa bàn vùng sâu, vùng xa, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án phát triển kinh tế - xã hội, địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh; có các giải pháp đẩy mạnh việc huy động nguồn lực xã hội tham gia, hỗ trợ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Về hướng dẫn hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9/11), năm nay là năm thứ 10 cả nước tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Để Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 thực sự là điểm nhấn của cả giai đoạn 10 năm thực hiện, Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương căn cứ điều kiện thực tiễn chủ động, linh hoạt tổ chức hoạt động hưởng ứng. Các hoạt động hưởng ứng cần tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, đặc biệt tập trung trong 2 tháng cao điểm (tháng 10, 11). Về hình thức tổ chức, đề nghị tập trung huy động và triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trên phương tiện thông tin đại chúng, Cổng/Trang thông tin điện tử và hệ thống loa truyền thanh cơ sở, mạng viễn thông, mạng xã hội; thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm giao lưu, đối thoại chính sách, pháp luật; lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hoặc hình thức khác phù hợp với địa phương.
Đối với công tác hòa giải ở cơ sở, tiếp tục tập trung nguồn lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Đề án nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022 được ban hành kèm theo tại Quyết định 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng mô hình, cách làm có hiệu quả về hòa giải ở cơ sở; chỉ đạo UBND cấp huyện phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp ở địa phương phổ biến, hướng dẫn kỹ năng hòa giải; việc thực hiện thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án theo quy định tại Chương 33 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Đối với công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác này…