Các biện pháp phòng chống bạo lực gia đình
Bạo hành gia đình là một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Bạo lực gia đình làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, gây đến nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần cho những người trong gia đình. Bạo lực gia đình là những hành vi mang tính bạo lực xảy ra giữa những người thân trong gia đình, gây ra sự tổn thương về thể chất, tinh thần và nhân phẩm cho nạn nhân và những thành viên khác.
Tính cấp thiết của việc phòng chống bạo lực gia đình:
Bạo lực gia đình là những hành vi mang tính bạo lực xảy ra giữa những người thân trong gia đình, gây ra sự tổn thương về thể chất, tinh thần và nhân phẩm cho nạn nhân và những thành viên khác.
Bạo lực với phụ nữ và bạo lực với trẻ em trong gia đình là hai trường hợp phổ biến và thường xuyên xảy ra. Trong đó, bạo lực với trẻ em được coi như một hình thức ngược đãi trẻ em, bởi trẻ tiếp xúc và chứng kiến cảnh bạo lực giữa cha mẹ, chịu sự trừng phạt của người lớn, đồng thời còn có những nguy cơ như bỏ giam, tra tấn, xâm hại tình dục, tâm lý.
Hậu quả của bạo lực gia đình
Đối với nạn nhân
Có thể nói, nạn nhân là người phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất từ bạo lực gia đình. Hành vi bạo hành dù ở hình thức nào cũng đều để lại tổn thương sâu sắc và dai dẳng.
Đối với con cái
Bạo lực gia đình ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển thể chất và tinh thần của con trẻ. Trẻ bị bạo hành sẽ phải đối mặt với tổn thương tâm lý suốt đời. Ngoài ra, con cái chứng kiến cảnh bạo lực, xung đột của bố mẹ cũng khó có thể phát triển một cách lành mạnh.
Đối với chính người bạo hành
Nhiều người cho rằng, chỉ có nạn nhân mới gánh chịu hậu quả do bạo lực gia đình. Tuy nhiên trên thực tế, người bạo hành cũng phải gánh chịu không ít hậu quả, đánh mất đi các mối quan hệ tốt đẹp như mối quan hệ với bạn đời, con cái, bố mẹ,…
Đối với gia đình
Bạo lực gia đình không chỉ ảnh hưởng đến mỗi cá nhân mà còn gây ra hậu quả với chính tổ ấm. Sự hiện diện của bạo lực sẽ dẫn đến gia đình tan vỡ, ly hôn, ly thân.
Đối với xã hội
Hành vi bạo lực của một gia đình sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đối với xã hội như giảm khả năng lao động, giảm thu nhập bình quân của mỗi cá nhân, tạo ra lực lượng lao động có năng lực kém, tinh thần yếu,… Ngoài ra, sự hiện diện của bạo lực gia đình sẽ kìm hãm xã hội phát triển văn minh và hiện đại.
Bạo lực gia đình để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Không chỉ riêng nạn nhân mà cả chính kẻ bạo hành và những thành viên khác trong gia đình cũng phải đối mặt với những hậu quả nặng nề. Sự hiện diện của bạo lực trong mỗi gia đình cũng là rào cản cho sự phát triển văn minh và tiến bộ của xã hội. Vì vậy cần có các biện pháp cấp thiết để phòng chống bạo lực gia đình.
Biện pháp về giáo dục, tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình gồm: “Kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hoà giải phù hợp với truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam”.
Các biện pháp về giáo dục, tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình:
- Tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về bạo lực gia đình.
- Giáo dục bình đẳng giới phải được thực hiện ngay từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội. Phải nâng cao nhận thức của cả hai giới về quyền và nghĩa vụ của họ trong mối quan hệ với các thành viên trong gia đình.
- Phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, vai trò của họ hàng. Duy trì sự ổn định, đoàn kết và êm ấm trong gia đình, làm tốt công tác hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình.
- Đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh, cần quan tâm xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá trong đó đưa tiêu chí không có bạo lực gia đình, không lạm dụng rượu bia, không có tệ nạn cờ bạc, ma tuý để công nhận gia đình văn hóa.
- Phải xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình theo đúng quy định của Nghị định số 110/2009/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình.
- Thực hiện việc lồng ghép chương trình phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong chương trình kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các cấp, các ngành.
Biện pháp hỗ trợ nạn nhân
- Ngăn chặn kịp thời và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình: Cần trang bị cho nạn nhân sự hiểu biết để tự bảo vệ như: có nghề nghiệp, sự độc lập về tài chính, trình độ học vấn, ý thức vươn lên làm chủ bản thân và gia đình, kiến thức giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái…
- Hãy lắng nghe và tin tưởng nạn nhân.
- Tôn trọng vị trí của họ trong quá trình thực hiện và không thúc đẩy quan điểm cá nhân của bạn.
- Đề nghị hỗ trợ và cho biết họ không đơn độc.
- Giúp họ ghi lại tất cả các chi tiết họ có thể nhớ và giữ lại bằng chứng bạo hành.
- Nhắc nhở rằng họ không phải chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì đã xảy ra.
- Khuyến khích họ tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp, thông qua đường dây nóng bí mật hoặc các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế hoặc tâm thần khác.
- Khuyến khích họ lên tiếng về việc bị bạo hành và báo cáo kẻ ngược đãi họ với chính quyền, vì việc giữ bí mật chỉ bảo vệ kẻ xấu.
- Tôn trọng bất kỳ lựa chọn nào họ đưa ra và cho biết bạn sẽ ở bên cạnh bất kể họ quyết định thế nào.
Bạo lực gia đình từ lâu đã không còn là vấn đề riêng của mỗi gia đình mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định xã hội. Do đó việc phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm chung của cộng đồng chứ không phải chỉ là của nhà nước và những người có liên quan. Để đạt được hiệu quả trong công tác phòng chống bạo lực gia đình thì rất cần sự quan tâm phối hợp của tất cả các cơ quan liên quan và các thành viên trong xã hội.